Phân loại chèo Chèo

Chèo sân đình là loại hình chèo cổ của những phường chèo xưa, thường được biểu diễn ở các sân đình, sân chùa, sân nhà các gia đình quyền quý. Sân khấu chèo sân đình thường chỉ là một chiếc chiếu trải ngoài sân, đằng sau treo chiếc màn nhỏ, diễn viên và nhạc công ngồi hai bên mép chiếu tạo dàn đế. Chèo diễn theo lối ước lệ, cảnh trí chỉ được thể hiện theo ngôn ngữ, động tác cách điệu của diễn viên. Đạo cụ của người diễn hay sử dụng là chiếc quạt.

Chèo cải lương là một dạng chèo cách tân do Nguyễn Đình Nghị khởi xướng và theo đuổi để thực hiện từ đầu những năm 1920 đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, theo xu hướng phê phán tính ước lệ của chèo cổ. Chèo cải lương được soạn thành màn, lớp, bỏ múa và động tác cách điệu trong diễn xuất, xử lý những mô hình làn điệu chèo cổ, đưa nguyên những bài dân ca có sẵn vào bổ sung cho hát chèo. Bộ "Tám trận cười" của Nguyễn Đình Nghị gồm những vở nổi tiếng.

Chèo chái hê là loại hình dân ca hát vào rằm tháng bảy hàng năm, hoặc trong đám tang, đám giỗ của người có tuổi thọ, có nguồn gốc từ việc kết nghĩa giữa 2 làng Vân Tương (Bắc Ninh) và Tam Sơn (Đông Anh, Hà Nội), gồm có các phần:

  1. Giáo roi
  2. Nhị thập tứ hiếu
  3. Múa hát chèo thuyền cạn
  4. Múa hát kể thập ân. Kết thúc chương trình hát chèo chái hê thường là hát quan họ.
Các nghệ sĩ Nhà hát chèo Việt Nam biểu diễn ở bờ Bắc sông Bến Hải, năm 1956)

Chèo hiện đại: trong quá trình hội nhập quốc tế và bảo lưu truyền thống văn hóa dân tộc, nghệ thuật chèo của Việt Nam một mặt được quảng bá khắp năm châu, mặt khác, cũng tự hiện đại hóa để đáp ứng thị hiếu của khán - thính giả. Quá trình hiện đại hóa luôn đi đôi với quá trình bảo lưu những tinh hoa văn hóa dân tộc được bồi đắp qua nhiều thế kỷ. Hướng hiện đại hóa đầu tiên diễn ra sau năm 1954 ở miền Bắc cùng với quá trình cuộc Chiến tranh Việt Nam. Sau chiến tranh, quá trình này vẫn tiếp tục với một số vở chèo cải biên phản ánh các chủ đề hiện đại. Sau năm 1954, nhiều đoàn nghệ thuật chèo Việt Nam đã đi biểu diễn ở các nước xã hội chủ nghĩa và được công chúng hoan nghênh. Sau Chiến tranh Việt Nam, nghệ thuật chèo Việt Nam đã có mặt trong nhiều kỳ liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian ở nhiều nước và thu được sự mến mộ của công chúng nhiều quốc gia. Về âm nhạc, một số điệu hát chèo đã được các nghệ sĩ mạnh dạn cải biên, phối khí theo phong cách và nhạc cụ hiện đại nhưng vẫn giữ giai điệu gốc vốn có.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chèo http://www.britannica.com/EBchecked/topic/256778 http://baohoabinh.com.vn/16/87390/Doc_dao_lan_dieu... http://www.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=1440... http://nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cate... http://sankhau.com.vn/news/lich-su-va-dac-diem-ngh... http://www.sankhauvietnam.com.vn/Story/vanhoa_truy... http://thuonghieucongluan.com.vn/nam-dinh-mot-tron... http://vannghenamdinh.com.vn/index.php/vi/news/San... http://congannghean.vn/van-hoa-giao-duc/201511/ve-... http://www.spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?...